Muốn đất nước phát triển phải chủ động “đưa Việt Nam ra thế giới”!

Trích nguồn: https://congluan.vn/muon-dat-nuoc-phat-trien-phai-chu-dong-dua-viet-nam-ra-the-gioi-post72701.html

(NB&CL) Có một doanh nhân từng chia sẻ: “Muốn đất nước phát triển thịnh vượng, việc “mang thế giới về Việt Nam” là chưa đủ! Mà ngược lại cần phải chủ động để “đưa Việt Nam ra thế giới”!

Doanh nhân Nguyễn Kim Sơn - Lãnh sự Danh dự Cộng Hòa Croatia tại Hà Nội, Chủ tịch HĐQT James Boat Technology: Muốn đất nước phát triển phải chủ động “đưa Việt Nam ra thế giới”!

Thực tế, việc mở rộng đầu tư, đưa sản phẩm Việt đến với bạn bè quốc tế là một trong những khát vọng mà các doanh nhân Việt luôn hướng đến dù con đường khá chông gai và đầy thử thách!

Thế nhưng, chuyện “dám đi xa để bắt cá lớn” không phải là điều không thể, ngược lại, nó đang trở thành xu thế để phát huy sức mạnh sản phẩm Việt. Điều này được minh chứng bởi nhiều người con đất Việt đã gặt hái được nhiều thành công trên đất khách!

 

Ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT James Boat Technology – Lãnh sự Danh dự Cộng hòa Croatia tại Hà Nội. Ảnh: CK.

 

Doanh nhân Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch HĐQT James Boat Technology – Lãnh sự Danh dự Cộng hòa Croatia tại Hà Nội là một trong những minh chứng điển hình bởi sau nhiều năm sống và làm việc ở châu Âu, ông đã trở về nước với khát vọng khởi nghiệp để thành lập doanh nghiệp đóng tàu bằng công nghệ mới tại Việt Nam. Để rồi sau đó, khi ngành đóng tàu công nghệ vật liệu mới thành công trên quê hương ông lại tiếp tục tận dụng lợi thế lội ngược dòng xuất ngược ra các nước – một việc mà không mấy ai làm được.

Không riêng gì ngành đóng tàu, gần đây “nhạc trưởng” James Boat còn tạo sự bất ngờ khi ông trở lại bén duyên với cà phê – và tất nhiên câu chuyện kinh doanh cà phê cũng không khác gì thành tựu của ngành đóng tàu khi những hạt cà phê Việt Nam qua chế biến theo phong cách Ý đã được nhiều khách hàng ở châu Âu thưởng thức và ưa chuộng.

Dù khá bận cho lịch trình công việc dày đặc cuối năm, doanh nhân Nguyễn Kim Sơn đã dành cho Nhà báo và Công luận cuộc trò chuyện về con đường mà ông đang đi. 

+  Ông chia sẻ gì về hành trình mới với “cà phê” - trong khi khát vọng trở về Việt Nam là để khởi nghiệp với ngành công nghệ đóng tàu vật liệu mới?

- Bạn chưa biết, dù rất thích sự hào nhoáng và vẻ đẹp kiêu kỳ của những chiếc du thuyền nhưng bên cạnh đó tôi cũng vốn là người rất thích uống cà phê và việc kinh doanh cà phê của tôi đã có từ những năm 1997.

Khi đó tôi nhập khẩu cà phê nguyên liệu từ Việt Nam để cung cấp cho các cơ sở rang xay cà phê tại Cộng hòa Séc. Đến năm 1999, tôi đầu tư xây dựng xưởng chế biến cà phê mang thương hiệu Daklak Caffe tiền thân của “Toninni Caffè” bây giờ. Chuyện về kinh doanh cà phê thì dài lắm, có thuận lợi, có khó khăn, tuy nhiên trăn trở “phải làm gì đó để khẳng định giá trị, vị thế cà phê Việt” thì chỉ có một.

Và sau nhiều năm gắn bó, bây giờ thương hiệu “Toninni Caffè” không chỉ vươn xa nhiều nước ở khu vực châu Âu mà còn có cả châu Á như: Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc… Riêng tại quê nhà, ngoài hệ thống phân phối nhượng quyền rộng khắp cả nước, “Toninni Caffè” còn là lựa chọn hàng đầu về quà tặng ngoại giao của các đơn vị như Đại sứ quán CH Séc tại Việt Nam, Bộ Công An, Bộ Ngoại giao…

Tôi hy vọng “Toninni Caffè” sớm trở thành thương hiệu Quốc gia và xuất hiện ở những thị trường khó tính nhất toàn cầu. Bởi với tôi, trong từng hạt cà phê Việt Nam luôn ẩn chứa một tình yêu mãnh liệt và sứ mệnh cao cả, đó là sản phẩm Việt phải thực sự được thế giới biết đến và trân trọng, đó cũng là lòng tự tôn dân tộc của tôi chứ không riêng gì kinh doanh – ông Sơn chia sẻ.

+ Vậy câu chuyện con đường “đưa cà phê Việt Nam ra thế giới” có gì đặc biệt thưa ông?

- Như bạn đã biết, Việt Nam là một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, thế nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất khẩu thô và chưa được định hình đúng vị thế dẫn đầu của nó. Minh chứng là khi ra nước ngoài bạn muốn kiếm một thương hiệu cà phê Việt để uống thì bạn sẽ tìm mỏi mắt! Đây cũng là điều tôi rất trăn trở!

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê và thực sự xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới nên tôi đã khát vọng phải làm gì đó để khai thác hết giá trị thực của nó.

Tôi đã bỏ thời gian khá dài để đi nhiều nơi và nghiên cứu nhiều công nghệ chế biến cũng như “gu” thưởng thức cà phê ở nhiều nước khó tính – nhất là khu vực châu Âu. Và dường như tôi nghĩ mình đã biết phải nên làm gì. Tôi quyết định đầu tư và nhập nguyên dây chuyền công nghệ độc đáo từ Ý – đó là “công nghệ rang củi” với mục đích giúp cho chất lượng cà phê sau khi chế biến có được cả hương lẫn vị tốt nhất!

Và thật may mắn, những phương pháp tôi lựa chọn và áp dụng đã giúp những hạt cà phê Việt sau khi chế biến đã được những người bạn nhiều nước trên thế giới không ngớt lời khen tặng và chấp nhận, nhất là các thị trường ở châu Âu. Và gần đây, các nước ở khu vực châu Á như Nhật và Đài Loan cũng lựa chọn sản phẩm “Toninni Caffè” để tiêu thụ.

 

Ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT James Boat Technology – Lãnh sự Danh dự Cộng hòa Croatia tại Hà Nội. Ảnh: CK.

 

+ Có lẽ ông đang kỳ vọng rất lớn về đứa con tinh thần mới này – ý tôi nói đến đó là “Toninni Caffè”?

- Đúng vậy, như tôi đã chia sẻ, tôi hy vọng “Toninni Caffè” sớm trở thành thương hiệu Quốc gia và xuất hiện ở những thị trường khó tính nhất. Bởi với tôi, trong từng hạt cà phê Việt Nam không chỉ ẩn chứa một tình yêu mãnh liệt và sứ mệnh cao cả, mà thông qua cà phê, tôi còn hy vọng rằng với vai trò hiện nay là Lãnh sự Danh dự nước Cộng hòa Croatia, tôi sẽ có cơ hội giới thiệu nhiều hơn về cà phê Việt Nam và cả những sản phẩm khác của Việt Nam. Qua đó, thế giới sẽ biết đến nhiều hơn về giá trị của sản phẩm Việt. Đây cũng là lòng tự tôn dân tộc của tôi chứ không phải dành riêng cho việc kinh doanh.

+ Trở lại câu chuyện nhập công nghệ vật liệu mới để về đóng tàu thuyền tại Việt Nam, sau đó xuất ngược trở lại cho một số nước – hình như ông đã nhận thấy điều gì từ ngành này? Và con đường ông hướng đến là gì?

- Bạn không biết chứ tôi yêu công nghệ lắm. Không chỉ có công nghệ đóng tàu vật liệu mới không, mà cả công nghệ chế biến cà phê tôi cũng phải nghiên cứu hết đấy. Cái nào hay là mình áp dụng ngay.

Đối với công nghệ đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC tại Việt Nam, sau 5 năm phát triển cho tới nay công ty tôi đã cung cấp hơn một trăm chiếc tàu thuyền cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; kể cả các công ty kinh doanh về du lịch cũng như cá nhân tại Việt Nam!

 

Đặc biệt trong năm 2019 công ty chúng tôi đã xuất lô hàng 50 chiếc tàu tuần tra cho Nigeria trong tổng số 100 chiếc. Trong năm 2020, chúng tôi sẽ ký hợp đồng xuất khẩu 30 chiếc tàu công vụ cho Hà Lan, hợp đồng này công ty chúng tôi đã đạt được một dấu ấn rất quan trọng khi một doanh nghiệp Việt Nam mà xuất khẩu tàu thuyền vào một quốc gia đã có ngành đóng tàu nổi tiếng trên thế giới. Đây là niềm tự hào, sự hãnh diện đối với một doanh nghiệp Việt như tôi.

Quan trọng hơn, kết quả này đã phần nào thể hiện sự khẳng định về năng lực đóng tàu áp dụng công nghệ vật liệu mới tại Việt Nam của chúng tôi với thị trường quốc tế. Và như tôi đã tiên liệu, chắc chắn với một quốc gia đang có vị thế mới trên trường quốc tế như Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt có khát vọng dấn thân, đi đầu sẽ trở thành những con hổ thật sự.

+ Xin cảm ơn ông!

Chính Kỳ(Thực hiện)