TONINNI CAFFE tại Hội thảo Doanh nghiệp Séc - Việt Nam Chiều 10-4-2018, tại Hà Nội

TCCSĐT - Chiều 10-4-2018, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Doanh nghiệp Séc - Việt Nam.

 

 Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết năm 2017, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đạt hơn 257 triệu USD (trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt trên 151 triệu USD, nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 106 triệu USD).

 

 

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, sự phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước dựa trên ba nét chính:

Thứ nhất, về quan hệ song phương, trao đổi thương mại giữa hai nước có mức tăng trưởng ổn định, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có triển vọng giữa Cộng hòa Séc với Việt Nam là nông sản thực phẩm, dệt may, máy móc, thiết bị, trang thiết bị y tế bệnh viện, năng lượng, công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, theo TS. Đoàn Duy Khương, với số liệu từ Tổng Cục Hải quan có thể thấy, cán cân thương mại giữa hai nước chưa cân bằng, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều hơn sang Séc. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta phải cân bằng cán cân thương mại. Cân bằng cán cân có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Séc.

Thứ hai, về quan hệ đa phương, hiện nay, Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để thông thương vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - thị trường có trên 600 triệu dân. Các doanh nghiệp Séc cần có chiến lược đầu tư không chỉ với thị trường Việt Nam với khoảng hơn 90 triệu người tiêu dùng mà phải tiến sâu hơn nữa tiếp cận thị trường ASEAN. 

Trong khi đó, Cộng hòa Séc là cửa ngõ để hàng hóa thâm nhập vào các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, sắp tới khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực trong năm 2018, sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang ngày càng được khẳng định, nhất là sau khi VCCI tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2017 và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam tại Đà Nẵng. Và mới đây nhất, vào tháng 3-2018, VCCI đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 tại Hà Nội. Điều này giúp Việt Nam khẳng định đường lối đối thoại đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ ba, hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc luôn được cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ hai nước ưu tiên. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương nước Cộng hòa Séc, ông Vladimir Bartl đánh giá, Việt Nam đang ngày càng thu hút đầu tư từ nước ngoài, trong đó có Cộng hòa Séc. Ông Vladimir nhấn mạnh việc chưa cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước và còn nhiều tiềm năng chưa khai phá giữa hai quốc gia. 

Theo ông Vladimir Bartl, Cộng hòa Séc mong muốn thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực, như bảo vệ môi trường, công nghệ khai khoáng, công nghệ xây dựng, hóa chất, viễn thông, radar, máy móc công nghiệp và nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ sinh học và nano./.